Vì sao du học sinh Việt chỉ thích chơi với nhau?

Director: Thông tin du học Úc Thông tin du học Úc Thông tin du học Úc

Vì sao du học sinh Việt chỉ thích chơi với nhau?


Nhiều du học sinh Việt Nam đến Úc nhưng chỉ tụ tập giao lưu thành nhóm và co cụm trong cộng đồng người Việt. Đâu là rào cản và làm sao để bước ra khỏi ‘vùng an toàn’ của mình? 

 

Lạc lõng nơi xứ người

Du mang nghĩa là đi xa, đến khám phá những nơi mới lạ. Đi du học không chỉ là đi thu nạp kiến thức mà còn cảm thụ những tinh hoa về nền văn hóa mới ở một đất nước mới.

Ở một nơi có nhiều sự mới lạ thì chắc chắn xuất hiện nhiều sự thay đổi. Những thay đổi này mang đến bước ngoặt trong tâm lý mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua.

Sự thích nghi ở mỗi người cũng khác nhau. Có người bước vào môi trường mới là hòa nhập được chỉ sau một hai ngày. Có những người mất nhiều thời gian hơn thậm chí rất lâu để bước khỏi vùng an toàn của họ.

Đến một nơi xa lạ, không nói tiếng của mình, nhiều bạn dễ phản ứng bằng cách thu mình và cô lập bản thân. Gia đình và người thân ở xa, các bạn không tránh khỏi cảm giác cô đơn lạc lõng và tủi thân.

australia street sign
Ngại giao tiếp do khác biệt văn hóa

Sống ở Úc, câu cửa miệng mà chúng ta nghe nhiều nhất mỗi ngày có lẽ là xin lỗi hay cảm ơn. Hay gặp những người đi đường dù không quen biết, cũng rất bình thường khi người ta lịch sự nhoẻn miệng cười với nhau.

Với các bạn du học sinh thì những điều bình thường kia lại trở nên ngộ nghĩnh và đòi hỏi các bạn phải kiên nhẫn học từng chút một.

 Cộng đồng người Việt chiếm khá đông tại Úc, trải dài tại các tiểu bang cũng như có mặt trong nhiều hoạt động giao thương và xã hội nơi đây. Do đó, khi gặp đồng hương nơi xứ người, các bạn du học sinh cảm thấy yên tâm hơn.

Không chỉ có những lễ hội mang đậm nét văn hóa, tập tục của người Việt, các Hội Sinh Viên Việt Nam tại các trường ở Úc cũng là chốn dừng chân và kết nối của nhiều trái tim luôn đau đáu nỗi nhớ nhà.

Với những bạn tiếng Anh còn chưa lưu loát, tâm lý tự ti khiến các bạn rụt rè trong giao tiếp. Các bạn luôn lo lắng, sợ sệt người khác sẽ đánh giá mình. Do đó, các bạn thường ngại giao tiếp với người bản xứ, mà chỉ tách ra những nhóm người Việt riêng với nhau.

Hội tụ, đùm bọc là nét văn hóa đáng quý của người Việt ; nhưng về lâu dài lại mang đến những bất lợi cho các bạn du học sinh trong việc hòa nhập với cuộc sống nơi đây.

Khi còn lạ nước lạ cái, các du học sinh nhất là những bạn chưa tự tin về khả năng tiếng Anh sẽ gặp nhiều trở ngại khi đi làm thêm.

Các bạn không đủ tự tin nộp đơn cho chủ Tây mà chỉ gõ cửa các cửa tiệm có chủ người Việt. Không phải là tất cả nhưng đây cũng là lý do nảy sinh vấn nạn bóc lột du học sinh mà SBS từng đề cập trong phóng sự cách đây không lâu.

Thay đổi là để thích nghi

Sự khác biệt về văn hóa là không thể tránh khỏi.

Người Việt thường nể mặt, e dè, sợ mất lòng dễ dẫn đến nhập nhằng trong khi người phương Tây lại cởi mở, rõ ràng, thẳng thắn nên đôi khi góp ý dễ khiến người Việt cảm thấy tổn thương, mất mặt và nghĩ rằng mình bị phân biệt đối xử.

Dần dần, người Việt quẩn quanh cộng đồng người nói tiếng Việt mà tách biệt mình khỏi cộng đồng các nước khác.

Cuộc sống du học của các bạn chẳng khác gì mấy ở nhà khi khung thời gian chỉ xoay quanh những cái thân thuộc, tiếng mẹ đẻ và văn hóa quê hương.

Việc thực hành tiếng Anh hằng ngày ở Việt Nam là một thách thức lớn vì không có nhiều điều kiện để các bạn được giao tiếp tiếng Anh thường xuyên với người bản địa và phát triển nó thành phản xạ.

Du học là cơ hội để các bạn làm điều đó theo cách tự nhiên nhất mỗi ngày. Tham gia vào hoạt động tại xứ sở nói tiếng Anh, bạn có thể tự do trình bày quan điểm, chia sẻ ý kiến và giao lưu với nhau bằng thứ ngôn ngữ này.

Cứ đi du học sẽ giỏi tiếng Anh?

Có nhiều người nghĩ “cứ đi du học thì tiếng Anh tức sẽ giỏi”. Nhưng sự thực là một số bạn khi học xong về nước, trình độ tiếng Anh lại không đổi và có khi lại giảm sút so với trước đây.

Điều này không bất ngờ vì lúc ở Úc, các bạn ấy ở khu người Việt, chỉ chơi với người Việt, làm thêm tiệm Việt và nói tiếng Việt hơn 80% trong ngày.

Theo lẽ tự nhiên, những thứ mới mẻ thường lạ lẫm và đôi khi không thoải mái nhưng chúng ta cần chấp nhận sự thay đổi đó và điều chỉnh bản thân mình.

Nếu không vượt qua được, rất có thể chúng ta phải sống những ngày còn lại với sự tự ti, mặc cảm, với lối suy nghĩ rằng mình đã chọn nhầm đất nước du học, rằng môi trường này không phù hợp, không đủ điều kiện để mình phát triển.

Khi bạn mới sang, việc tham gia hòa nhập vào công đồng Du học sinh Việt Nam là điều tốt, bới các bạn sinh viên cũ có thể chia sẻ, chỉ dẫn kinh nghiệm cho tân sinh viên và giúp đỡ nhau những giây phút nhớ nhà.

Tuy nhiên, việc tham gia và mở rộng mối quan hệ đến những hội nhóm đoàn thể khác ngoài cộng đồng người Việt cũng quan trọng không kém.

Đó là những người sẽ giúp ta hòa nhập với những nền văn hóa khác nhau, hiểu thêm về những tôn giáo, lễ nghi hay tập tục của họ.

Sống và làm việc trên nước Úc- một đất nước đa dạng về sắc tộc và văn hóa, sẽ rất thiệt thòi khi chúng ta tự thu mình lại, bỏ qua những cơ hội được hòa nhập và học hỏi những bản sắc khác.

Hòa nhâp vào một môi trường mới không phải là điều dễ dàng. Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

Mở lòng mình và mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài. Con người nói chung thường có cảm tình với người nói cùng ngôn ngữ với mình. Lẽ dĩ nhiên, không ai có thể từ chối khi bạn thể hiện thiện chí muốn kết bạn và trò chuyện với họ bằng ngôn ngữ của chính họ. Họ sẵn sàng lắng nghe và khích lệ khi bạn nói sai. Vì vậy, để cải thiện ngôn ngữ và sự tự tin của mình, hãy cứ “mạnh dạn nói sai".

Hầu hết chúng ta khi đến môi trường mới đều rất sợ bị cô lập và không được chấp nhận. Cách giải quyết là hãy luôn là chính mình. Tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là con đường nhanh nhất để kết bạn với người bản địa và hòa nhập môi trường sống của họ. Bạn hãy cứ thể hiện mọi khả năng của bản thân, người nước ngoài rất thích những người thể hiện cá tính và luôn khích lệ điều đó.

Học cách quan sát và bắt chước những văn hóa đẹp của nước bạn. Người Việt chúng ta thường thiếu kiên nhẫn khi chịu xếp hàng hay ngại xin lỗi mỗi khi làm phiền lòng người lạ. Hãy quan sát và học hỏi những điều này ở những người bản địa và áp dụng nó. Khi đó, bạn sẽ nhận được nụ cười từ những người bạn ngoại quốc mới, mọi thứ từ đó sẽ dễ thở hơn và những lo âu cũng được giảm đi ít nhiều. Từ đó, bạn sẽ tạo động lực cho mình thêm sự gắn bó lâu dài với đất nước này.

Theo SBS

 
Để biết thêm thông tin về du học Úc, vui lòng liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN DU HỌC DU LỊCH TÂN ÐĂNG QUANG
293 Huỳnh Văn Bánh, F.11, Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh, Việt Nam
ÐT: (84.28) 38424250 – 38424139 – Fax: (84.8) 62928586

Lượt xem: 3735